Chăn nuôi heo trước “tâm bão”

05/10/2018

Dịch tả heo châu Phi (ASF) đang xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, hàng nghìn con heo đã bị tiêu hủy. Việc dịch bệnh ASF bùng phát mạnh tại nước láng giềng Trung Quốc đặt ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam vào tình trạng báo động. Dù “tâm bão” còn xa nhưng sức ảnh hưởng đã lan rộng?

Giá bán cao

Theo ghi nhận của các phóng viên, trong các ngày 16 - 17/9, giá heo hơi tại các tỉnh miền Trung và miền Nam vẫn duy trì ở mức cao, giao động 47.000 - 53.000 đồng/kg, trong đó tại Thanh Hóa, Quảng Trị khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Còn tại các địa phương trọng điểm như Ðồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, giá bán heo hơi ổn định mức 51.000 - 52.000 đồng/kg; Thấp nhất là hai tỉnh Bình Phước, Sóc Trăng với mức trung bình 47.000 - 49.000 đồng/kg.

Hiện giá thịt heo đang ở mức cao Ảnh: Thanh Cường
Hiện giá thịt heo đang ở mức cao Ảnh: Thanh Cường
 

Tuy nhiên, tại các tỉnh miền Bắc, giá heo đến ngày 17/9 đã tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg, trung bình khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg, thậm chí heo chất lượng thịt tốt có thể bán ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có thể thu lãi 1,2 - 1,5 triệu đồng/con 100 kg. Cùng đó, một số công ty chăn nuôi lớn cũng đang tăng giá bán heo hơi thêm 500 - 1.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá thịt heo hơi xuất chuồng của nước ta đang ở mức đắt đỏ nhất nhì thế giới. Nếu giá heo hơi tăng lên trên 55.000 đồng/kg và kéo dài lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và rủi ro. Trước mắt làm tăng chỉ số giá tiêu dùng và có thể đến một thời điểm nào đó sẽ kích hoạt người dân tái đàn ồ ạt. Chưa kể sẽ tạo cơ hội cho thịt heo nước ngoài vào Việt Nam.

Những cảnh báo này hiện đã thấy rõ. Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 6/2018, Việt Nam đã nhập 678 tấn thịt heo đã qua giết mổ, trị giá 1,03 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và 50,7% về giá trị so tháng 5/2018. Còn ông Nguyễn Kim Ðoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai cho biết, Hiệp hội đã ghi nhận lượng tăng đàn trong dân lên tới 30%.

 

Gấp rút điều chỉnh

Việc giá bán heo hơi tăng đã dấy lên nhiều lo ngại, trước tiên, đó là lo ngại nguồn cung thừa khi nhu cầu thị trường trong nước không quá cao. Hơn nữa, thị trường nhập khẩu heo lớn nhất của nước ta là Trung Quốc lại đang phải đối phó với sự bùng phát của ASF khiến nhiều nhà máy giết mổ lớn phải đóng cửa, người tiêu dùng e ngại. Cùng đó, theo đánh giá của ông Ðàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, hiện tại phía Trung Quốc chưa cho phép Việt Nam xuất khẩu chính ngạch heo sống và thịt heo vào Trung Quốc, mà chỉ xuất qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, hiện nước này cũng đang siết chặt đường tiểu ngạch. Trước tình hình nguồn cung thịt heo của Trung Quốc bị thiếu hụt, việc xuất khẩu thịt heo theo đường tiểu ngạch cũng có cơ hội nhất định nhưng không nhiều.

Lo ngại về sức “nóng” của giá thịt heo, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT phải thận trọng trong việc tái đàn ồ ạt, vì sẽ làm người nuôi thua thiệt. Cùng đó, phải có ngay biện pháp cụ thể để bình ổn giá mặt hàng thịt heo; Có kịch bản và đề xuất biện pháp điều hành cung cầu cụ thể báo cáo Chính phủ.

Trong công văn hỏa tốc do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh gấp rút thống kê và có biện pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt heo. Cụ thể, yêu cầu không đẩy giá thịt heo xuất chuồng vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất heo đúng độ tuổi, đúng khối lượng, không đầu cơ găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá.

 

Có tránh được “đầu cơ”

Theo đánh giá, dù tình hình dịch bệnh trên đàn heo trong nước được kiểm soát, nhưng giá thịt heo trên các chợ đã tăng cao trước thông tin về ASF đang bùng phát tại nhiều quốc gia. Cùng với đó cũng xuất hiện việc các trang trại đang có xu hướng giữ đàn, hạn chế bán ra.

Một tiểu thương tại Hà Nội cho biết, hiện heo hơi trong dân không nhiều, chúng tôi phải tranh giành mới có nguồn hàng ổn định để bán. Các trang trại lớn lại hạn chế bán ra, thương lái chúng tôi phải đăng ký vài ngày mới đến lượt. Cũng theo Chi cục Thú y Ðồng Nai, các trang trại đang có xu hướng giữ đàn, hạn chế bán ra. Việc nguồn cung khan hiếm cộng với thông tin dịch bệnh có nguy cơ xâm nhiễm sang Việt Nam đã đẩy giá bán thịt heo tại các chợ tăng cao.

Ðể kiểm soát tình hình, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc. Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, người dân cần có thông tin chính thức từ các Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương, không nghe tin đồn thất thiệt. Ban quản lý các chợ cần tuyên truyền, vận động, kiểm soát để các tư thương không thêu dệt tin đồn đẩy giá thịt heo lên cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ông Ken Inui, Chuyên gia của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO)

Không điều trị heo nghi mắc bệnh

Hiện nay chưa có vaccine ngăn chặn ASF. Bệnh dịch này tồn tại lâu hơn so với các loại bệnh khác như dịch cúm gia cầm. Điển hình như Tây Ban Nha phải mất 35 năm mới đẩy lùi được căn bệnh này. Nếu bệnh này xâm nhập vào Việt Nam, sức tàn phá sẽ rất khủng khiếp. Thói quen của nhiều hộ chăn nuôi là dùng một kim tiêm cho nhiều con heo khác nhau, đây là tác nhân lây lan virus qua đường máu. Bên cạnh đó, việc cho heo ăn thức ăn thừa cũng là nguyên nhân khiến mầm bệnh lây lan rộng, vì vậy, bà con không nên sử dụng loại thức ăn này cho chăn nuôi. Cần thực hiện biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng, đặc biệt phải thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học. Nông dân không điều trị heo nghi mắc bệnh mà nhanh chóng tiêu hủy do hiện nay chưa có vaccine điều trị.



Theo: Phan Thảo

Nguồn: nguoichannuoi.vn