Giống lợn lông xù quý hiếm

Với dáng vẻ đáng yêu của mình, lợn lông xù không chỉ được nuôi để lấy mỡ, thịt mà chúng còn được nuôi như thú cưng.

Tên của chúng là lợn lông xù Mangalitsa (Mangalica) – một giống lợn hiếm có nguồn gốc ở Hungary. Đặc điểm khác lạ là nó có lớp lông xù xì bao phủ khắp cơ thể như lông cừu.

Thế giới động vật chứa đựng những điều kì lạ và đặc biệt khó giải thích. Vào một ngày đẹp trời, bạn bắt gặp chú lợn xinh xắn với bộ lông xù màu kem đi lại tung tăng trước mặt bạn. Chúng được ví như những chú cừu mini bởi dáng vẻ và bộ lông xù đặc trưng.

Hiện có tới ba loại lợn lông xù Mangalitsa, phân theo màu sắc là vàng, bụng lông nhạn và đỏ, phổ biến nhất là màu vàng hoe. Lợn Mangalitsa không yêu cầu chế độ chăm sóc đặc biệt, thức ăn chủ yếu của chúng là lúa mỳ, bắp, lúa mạch, cỏ. Chúng còn được đánh giá là khá thông minh.

Vào những năm 1990, lợn lông xù Mangalitsa gần như tuyệt chủng với chưa đầy 200 con trên thế giới. Chúng được xếp vào một trong những loài động vật quý hiếm trên thế giới. Năm 1994, tổ chức nhân giống lợn Mangalitsa của Hungary được thành lập nhằm bảo vệ giống lợn này.

Thế nhưng, hiện nay giống lợn này ngày càng được ưa chuộng và được cưng chiều hết mực bởi bộ lông khác thường cực kỳ dễ thương. “Chẳng có gì dễ thương hơn khi thấy một chú lợn cừu lông vàng hay đỏ bé xinh… Nếu bạn đối xử tốt với chúng, bạn có thể thuần hoá chúng y như với chó vậy. Chúng sẽ đi theo và chơi đùa với bạn”, Wilhelm Kohl – một người nuôi cho biết. 

Một điểm cộng dành cho loài vật này là tốc độ mọc lông của chúng thật sự đáng kinh ngạc. Lợn Mangalitsa được xem như giống heo béo nhất thế giới với cơ thể chiếm 65-70% là mỡ, nhưng đó là mỡ tốt giàu axit béo Omega 3 và 6 - thường chỉ thấy ở loài cá. Bên cạnh đó, phần thịt ít ỏi trong mỗi con heo Mangalica thật sự là một cực phẩm xứng đáng đứng ngang hàng với thịt bò Wagyu đẳng cấp. 

Một nông dân nuôi lợn Mangalitsa ở Hungary cho biết, tốc độ tăng trưởng của lợn Mangalitsa khá chậm so với những giống lợn khác. Để lợn Mangalitsa đạt trọng lượng 150kg, nông dân này đã phải nuôi chúng trong thời gian từ 20-24 tháng.

  Nguồn: Báo Giáo Dục & TĐ